Trên tất cả mọi ý nghĩa, không ai có thể phủ nhận vai trò của nhận thức lịch sử trong quá trình vận động phát triển, rộng là nhân loại, quốc gia, hẹp là ngành, lĩnh vực, cụ thể là mỗi cá nhân. Biện chứng của phát triển vốn không có sự tách rời giữa quá khứ, hiện tại với tương lai, chỉ có thể hiểu rõ được hiện tại, định hướng đúng được tương lai nếu nắm chắc được quá khứ.


1.MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
- Đào tạo cử nhân Lịch sử có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đảm bảo công tác hiệu quả trong các lĩnh vực Nghiên cứu lịch sử, lịch sử Đảng và Quản lý bảo tàng-bảo tồn di tích lịch sử; có các kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý nhân sự…) và có kiến thức tin học, tiếng Anh… để thích ứng với môi trường việc làm sau tốt nghiệp và hội nhập quốc tế.
2. ĐIỂM MẠNH CHƯƠNG TRÌNH
- Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng ứng dụng (kết hợp học kiến thức chuyên ngành với rèn luyện nghiệp vụ, năng lực đảm nhận các vị trí việc làm sau tốt nghiệp) trên cơ sở khung chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT và tham khảo chương trình của các trường đại học trong, ngoài nước, kết hợp kinh nghiệm 40 năm đào tạo của Khoa Lịch sử và được cập nhật thường xuyên;
- Chương trình được xây dựng theo hướng đào tạo chuyên sâu ở năm thứ tư với 4 chuyên ngành: Lịch sử thế giới, Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Quản lý bảo tàng-bảo tồn di tích lịch sử;
- Chương trình được thực hiện bởi đội ngũ giảng viên tâm huyết và có trình độ cao: 2 PGS.TS, 8 TS.GVC, 3 ThS.GVC, 5 ThS.NCS và 1 ThS.
3. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
- Chương trình gồm 135 tín chỉ (không kể 4 tín chỉ Giáo dục thể chất và 8 tín chỉ Giáo dục quốc phòng). Trong đó: Khối kiến thức chung: 22 tín chỉ (16,3%); Khối kiến thức cơ sở và bổ trợ ngành: 60 tín chỉ (44,4%); Khối kiến thức ngành và hướng chuyên ngành: 53 tín chỉ (39,3%). Chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ có sự linh hoạt cao thuận lợi cho người học; cấu trúc thành 4 hướng chuyên ngành cho người học lựa chọn, gồm: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Quản lý Bảo tàng-Bảo tồn di tích với nhiều học phần có tính hiện đại và cập nhật cao như: Khảo cổ học ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; Cải cách và đổi mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam; Chủ nghĩa tư bản hiện đại và chủ nghĩa xã hội hiện thực; Ứng dụng khoa học-kỹ thuật và công nghệ thông tin trong bảo tàng và bảo tồn di tích lịch sử.
4. PHẨM CHẤT VÀ KỸ NĂNG CẦN CÓ
- Chương trình hình thành cho người học các phẩm chất cần có của chuyên viên, nghiên cứu viên. Có lòng yêu nước, thương người và tâm huyết với chuyên môn; Có kiến thức nghiệp vụ, có năng lực diễn đạt tốt trên cả hai phương diện viết và nói; Có kiến thức và khả năng nắm bắt tâm lý con người trong quản lý, tổ chức nhóm nghiên cứu. Sau khi học xong, người học có các kỹ năng cơ bản, gồm: Kỹ năng tự học suốt đời-tự cập nhật kiến thức chuyên môn, tự nghiên cứu...; Kỹ năng nghiên cứu, viết báo cáo và trình bày kết quả nghiên cứu; Kỹ năng quản lý nhóm nghiên cứu, phối hợp làm việc theo nhóm trong các hoạt động chuyên môn - thu thập hiện vật bảo tàng, phục chế, bảo tồn di tích,....
5. CƠ HỘI VIỆC LÀM
- Sinh viên tốt nghiệp có thể làm nghiên cứu viên, chuyên viên tại các cơ quan nghiên cứu Lịch sử, lịch sử Đảng từ Trung ương đến địa phương, tại các cơ quan văn hóa- tuyên giáo, Bảo tàng-bảo tồn..., trong ngành du lịch, trong các hiệp hội, các tổ chức quần chúng... Sinh viên giỏi có thể đảm nhận giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học tại Đại học Quy Nhơn và trong cả nước.
6. BẰNG CẤP ĐẠT ĐƯỢC
- Cử nhân khoa học Lịch sử (kèm theo hướng chuyên ngành sinh viên chọn học như: Lịch sử thế giới, hoặc Lịch sử Việt Nam, hoặc Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, hoặc Quản lý bảo tàng-bảo tồn di tích lịch sử).
7. CƠ HỘI HỌC TIẾP TRÌNH ĐỘ CAO HƠN
- Sinh viên có bằng Cử nhân Lịch sử có thể học tiếp lên bậc cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ theo đúng chuyên ngành học hoặc các chuyên ngành gần: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, quản lý văn hóa… ) tại Đại học Quy Nhơn, các trường, viện trong và ngoài nước.
8. ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, các hiệp hội, tổ chức quần chúng các cấp từ Trung ương đến địa phương.