ICT - Khoa học dữ liệu là lĩnh vực không thể thiếu cho nhu cầu phát triển của xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là ngành đào tạo mới, mang tính liên ngành và có ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực của đời sống.
Nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu, sáng ngày 01/4, Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức hội thảo với chủ đề “Tính ứng dụng trong chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu (KHDL)”. Hội thảo này nằm trong chuỗi các hội thảo chuyên đề về đào tạo ngành KHDL tại Trường Đại học Quy Nhơn, được tổ chức theo thỏa thuận tài trợ và hợp tác đào tạo thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu năm 2022 giữa Trường Đại học Quy Nhơn với Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) và Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, thuộc VinGroup.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận về các vấn đề như thiết kế CTĐT theo định hướng ứng dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn; cập nhật những điểm mới của CTĐT theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động, nhất là nhu cầu phân tích dữ liệu và dự báo của cơ quan, doanh nghiệp; Hoạt động thực tập tại các công ty, doanh nghiệp.
PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, chủ trì hội thảo phát biểu
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, chủ trì hội thảo nhấn mạnh, KHDL là lĩnh vực mới và mang tính đa ngành. Nhu cầu về chuyên gia ngành KHDL có ở nhiều lĩnh vực như y sinh học, môi trường, địa lý, địa chất, khí tượng, thủy văn, nông nghiệp, xã hội học… đến những ngành liên quan như tài chính, ngân hàng, kinh doanh thương mại, chăm sóc khách hàng, mạng xã hội. Việc phát triển CTĐT ngành KHDL đảm bảo tính cập nhật, đổi mới, theo định hướng ứng dụng đáp ứng yêu cầu của xã hội là hết sức cấp thiết. Phó Hiệu trưởng cho biết, Trường Đại học Quy Nhơn là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có thế mạnh đào tạo các lĩnh vực Toán & Thống kê và Công nghệ thông tin. Do đó, Nhà trường có nhiều thuận lợi để đào tạo ngành KHDL theo định hướng ứng dụng. Phó Hiệu trưởng đề nghị hội thảo cần tập trung thảo luận, tham vấn những vấn đề thiết thực đối với CTĐT trình độ thạc sĩ ngành KHDL. Các ý kiến trao đổi vừa là cơ sở khoa học vừa là cơ sở thực tiễn để Nhà trường nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh, cập nhật CTĐT ngày càng tốt hơn, phù hợp với xu hướng phát triển KHDL trên thế giới, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu thực tế từ các công ty, doanh nghiệp và thị trường lao động.
Các diễn giả báo cáo tại hội thảo
Hội thảo có 05 báo cáo do các diễn giả là giảng viên, nhà khoa học đã và đang tham gia phát triển CTĐT, giảng dạy, các diễn giả đại diện cho doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo và diễn giả đại diện cho cựu học viên.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Dựa trên các nội dung báo cáo và phiên thảo luận chuyên sâu tại hội thảo, các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo đơn vị sử dụng lao động, cựu học viên đã đề xuất và trao đổi về xu thế, vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao ngành KHDL trong công cuộc chuyển đổi số của khu vực miền Trung và cả nước, những điểm mới cần cập nhật trong CTĐT thạc sĩ ngành KHDL. Từ đó làm cơ sở để Trường Đại học Quy Nhơn tiến hành rà soát và có kế hoạch cải tiến chất lượng đào tạo ngành Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.
Đến tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định, Giám đốc Trung tâm KPKH&ĐMST Quy Nhơn; ThS. Trần Ngọc Vinh - Phó Trưởng phòng P.BCVT&CNTT, Sở TT&TT tỉnh Bình Định; Ông Vũ Tự Cường - Giám đốc kỹ thuật Trung tâm NC&UD TTNT Quy Nhơn (QAI), Công ty FPT Software Quy Nhơn; Ông Huỳnh Nhật Toàn – Chuyên gia KHDL của Công ty TMA Solutions Bình Định. Về phía Nhà trường có PGS.TS. Đoàn Đức Tùng – Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng BTC, chủ trì hội thảo; PGS. TS. Lê Công Trình – Trưởng khoa Khoa Toán và Thống kê, thư ký hội thảo; PGS.TS. Hồ Xuân Quang – Trưởng phòng P. ĐT SĐH; lãnh đạo các đơn vị: P. HC-TH, KT&BĐCL, Khoa Toán&TK, Khoa CNTT, Khoa KT&CN, Khoa KT&KT, Khoa TCNG&QTKD, các giảng viên quan tâm, học viên cao học và sinh viên ngành KHDL của Nhà trường. |
Minh Hiền
P. ĐT SĐH